Nằm bên trong Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn là một nhà nguyện cổ trăm năm vẫn còn tồn tại.
Hai trăm năm biến động của Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn
Đi qua con đường Tôn Đức Thắng (Quận 1), đằng sau cánh cổng lúc nào cũng đóng, thấp thoáng bóng dáng của một tòa nhà cổ kính dưới tán cổ thụ. Đó là Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, chứng nhân lịch sử cho một thời kỳ đầy thăng trầm của thời cuộc Sài Gòn-Gia Định.
Từ thế kỷ 16, Giáo hội Công giáo Rôma đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập các Đại chủng viện tại địa phương không chỉ phục vụ nhu cầu đào tạo các linh mục chất lượng mà còn là cơ sở uy tín giảng dạy các kiến thức về thần học, tâm linh, kinh tế, giáo dục, cách tổ chức và vận hành các hoạt động đời sống con người ở hầu hết các lĩnh vực.
Tuy nhiên do những cuộc chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh triền miên khiến cho tình hình kinh tế và xã hội Việt Nam lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn, biến động dẫn đến việc tiền thân của Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn đã được thành lập tại Ayutthaya, Thái Lan vào năm 1665 để tránh sự ảnh hưởng của các xung đột. Tại đây, từ 1665 đến 1765, Đại chủng viện được duy trì và phát triển ổn định. Song, từ tháng 6 đến tháng 11/1765, bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Xiêm-Miến Điện, Đại chủng viện đã chuyển từ Thái Lan về Hòn Đất, gần thị trấn Hà Tiên, Việt Nam để làm điểm dừng chân tạm thời.
Ngoại thất Đại chủng viện.
Kể từ đó đến năm 1863, Đại chủng viện liên tục di chuyển khắp nơi, có lúc phải giải tán để tránh các cuộc nổi loạn Đàng Trong-Đàng Ngoài, sự nổi dậy của quân Tây Sơn hay chính sách cấm đạo của các đời vua Nguyễn… Mãi đến sau Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5 tháng 6 năm 1862, chính quyền Pháp quyết định cấp một phần đất 7 hectare cho cha Théodore Louis Wibaux để thành lập và phát triển lâu dài Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, chính thức ổn định sau gần 200 năm đầy biến động. Dù sau này Đại chủng viện phải di tản sang những địa điểm khác vì chiến tranh song vẫn quay trở lại Sài Gòn để tiếp tục hoạt động.
Nhà nguyện cổ 160 tuổi
Công trình được xây dựng vào năm 1863 và hoàn thành vào năm 1866 với lối kiến trúc Gothic đặc trưng của những thánh đường Châu Âu. Một năm sau khi khánh thành Chủng viện, năm 1867, cha Wibaux tiếp tục công việc xây dựng nhà nguyện, công việc xây dựng kéo dài trong 4 năm và hoàn thành năm 1871. Nhà nguyện dài 30m, rộng và cao 10m với mái vòm cao thoáng đãng, hệ thống cửa kính màu bao xung quanh với các hoạ tiết chìm nổi tinh tế.
Nhà nguyện vào thế kỷ 19.
Nhà nguyện hiện tại.
Với sự xuất hiện của nhà nguyện, nơi đây trở thành địa điểm tổ chức các buổi lễ trọng đại của Đại chủng viện và trở thành một địa điểm sinh hoạt tâm linh của không chỉ cho các chủng sinh mà còn của cộng đồng giáo dân khu vực xung quanh. Dù đối mặt với nhiều thách thức song mục tiêu đào tạo và giáo dục luôn được Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn tập trung và duy trì thông qua việc không ngừng mở rộng cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu học tập, cầu nguyện.
Phải nói thêm rằng thời điểm đó do tình hình chính trị, tôn giáo tại Sài Gòn bị ảnh hưởng bởi các dụ cấm đạo từ Đàng Trong nên sự có mặt của Đại chủng viện như củng cố thêm niềm tin của người dân về một chỗ dựa tâm linh vững chắc. Từ đây nhân rộng thêm các Đại chủng viện khác tại Huế, Nha Trang, Quy Nhơn, v.v.
Trải qua 160 năm với nhiều cuộc chiến, nếu so sánh với hình ảnh tư liệu từ thời Pháp, có thể thấy ngôi nhà nguyện này vẫn giữa lại cơ bản nguyên vẹn ngoại thất gồm mái ngói, các bức phù điêu và hoa văn từ thời Pháp. Duy chỉ riêng phần mặt tiền với cánh cổng mái ngói nay đã không còn. Đằng sau nhà nguyện là nơi yên nghỉ của người đã thành lập Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, cha Wibaux, ngày nay đã được xây thêm một khu vườn với dòng sông nhỏ xung quanh để bớt đi cảnh tiêu điều.
Ngôi mộ của cha Wibaux cùng khu vườn bao quanh.
Bên trong công trình trăm tuổi này hiện nay vẫn còn lưu giữ tro cốt của các cha người Pháp có công trong việc quản lý và phát triển Đại chủng viện từ thế kỷ 18 cho tới nay. Đặc biệt, tại một góc trang trọng của nhà nguyện là bệ thờ tro cốt Đức cha Pierre Lambert de la Motte (mất năm 1679), Giám mục đầu tiên của Giáo phận Đàng Trong, người thành lập hàng giáo sĩ bản xứ cho người Việt Nam.
Phía trên bục làm lễ là ba phần mộ được chôn âm dưới đất của hai vị cố Tổng giám mục: Phaolô Bùi Văn Đọc, Phaolô Nguyễn Văn Bình và Đức Giám mục phụ tá Luy Phạm Văn Nẫm. Mỗi năm, ngày lễ các thánh 1/11 được xem là ngày “giỗ chung” của các cha xứ người Pháp đã góp công xây dựng và chọn nơi đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Ngoài ra, nhà nguyện còn lưu trữ các cổ vật quý hiếm, có giá trị quan trọng đối với đời sống tâm linh của cộng đồng Công giáo như tòa giải tội, tòa giảng cổ xưa được Giáo xứ Cầu Kho tặng cho Đại chủng viện hoặc 14 bức phù điêu chạy dọc các cột nhà nguyện miêu tả lại hành trình khổ nạn của chúa Giêsu.
Không chỉ mang tính chất lịch sử, Đại chủng viện vẫn là nơi các tu sĩ học tập và làm việc ngày nay.
Trong quá trình phát triển, theo chị Vân, người trông nom nhà nguyện, nơi đây đã trải qua nhiều lần tu sửa lớn nhỏ chủ yếu là ở phía bên trong để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Hiện nay, sàn nhà của nhà nguyện đã được thay toàn bộ bằng gạch men để dễ dàng vệ sinh. Đại chủng viện cũng xây dựng thêm phần bục phía trên để tiện cho việc cử hành các buổi lễ thay vì sử dụng tòa giảng như ngày xưa.
Chị Vân chia sẻ: “Với chị và những chủng sinh đang tu học, nơi đây không chỉ đơn giản là nhà nguyện mà còn là lời nhắc nhở mọi người về một quá khứ đầy thăng trầm được đánh đổi bằng xương máu của nhiều thế hệ cha xứ.”
Bên cạnh là nơi tổ chức các buổi lễ của cộng đồng Công giáo như Giáng sinh, Lễ truyền chức, v.v. Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn nói chung và nhà nguyện nói riêng hiện vẫn gìn giữ những cổ vật, thư tịch, văn bản cổ có giá trị khảo cứu về lĩnh vực thần học, khảo cổ và tôn giáo. Khách tham quan có thể đến viếng thăm nhà nguyện vào các ngày trong tuần từ 8h đến 5h hoặc ngồi lại đọc sách tại thư viện ở dãy nhà đối diện nhà nguyện.