Du khách viếng thăm TP. HCM bằng tàu lửa thường ngạc nhiên khi thấy Ga Sài Gòn, tọa lạc tại Hòa Hưng, lại cách quận trung tâm một đoạn đường khá xa. Trên thực tế, Ga Sài Gòn hiện nay đã là ga thứ ba được xây dựng trong lịch sử thành phố, và mỗi lần thay đổi địa điểm, Ga Sài Gòn được lại di dời cách xa sông Sài Gòn hơn trước.
Mở cửa vào năm 1885 để phục vụ tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương từ Sài Gòn đến Mỹ Tho, Ga Sài Gòn đầu tiên được đặt ngay bên sông Sài Gòn, phía cuối đường Rue du Canton (nay là đường Hàm Nghi). Từ đây, đường tàu chạy về phía tây dọc theo trung tâm đại lộ, cắt qua khu vực Công trường Quách Thị Trang ngày nay, đi theo đường Phạm Hồng Thái và đường Lê Thị Riêng, hướng về Chợ Lớn và Mỹ Tho.
Công ty vận hành đầu tiên của tuyến đường này, Công ty Đường sắt Chính quyền Bảo hộ Thuộc địa Pháp (Compagnie des Chemins de Fer Garantis des Colonies Françaises – CCFGCF), đã cho xây dựng một kho xưởng (dépôt-atelier) cạnh đường tàu. Khu vực này ngày nay là ngã tư đầu phía tây đường Hàm Nghi và Công trường Quách Thị Trang.
Giai đoạn 1906–1908, công ty tiếp quản CCFGCF là Tổng công ty Xe lửa hơi nước Nam kỳ (Société Générale des Tramways à Vapeur de Cochinchine – SGTVC) đã bổ sung một tuyến vận chuyển hàng hóa rẽ nhánh về phía tây dọc theo Rue d’Adran (nay là đường Hồ Tùng Mậu) để kết nối với cảng Sài Gòn thông qua Cầu quay Khánh Hội.
Khi đường sắt Sài Gòn-Nha Trang được xây dựng vào năm 1901, đoàn tàu ban đầu đi theo lộ trình của tuyến Sài Gòn-Mỹ Tho từ Rue du Canton (lúc này đã đổi tên thành đại lộ Krantz-Duperré) đến vị trí của nút giao Phù Đổng ngày nay, nơi tuyến tàu rẽ nhánh về hướng bắc dọc theo Route de Thuan-Kieu (nay là đường Cách Mạng Tháng 8) đến Hòa Hưng và tiến về Biên Hòa.
Ga Sài Gòn đầu tiên tọa lạc tại vị trí của bến Bạch Đằng ngày nay.
Nhận thấy rằng ga cuối lúc đó quá nhỏ để phục vụ cả hai tuyến đường sắt, chính quyền thuộc địa đã lên kế hoạch xây dựng một nhà ga lớn hơn tại địa điểm của kho xưởng (dépôt-atelier) hiện có ở đầu phía tây đại lộ Krantz-Duperré. Tuy nhiên, kế hoạch này thất bại, nên thay vào đó, một nhà ga khác được xây dựng tạm thời tại vị trí ngã tư Hàm Nghi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay. Khi đoạn đầu tiên của tuyến Sài Gòn-Nha Trang, dài 29km, được khánh thành vào ngày 13/1/1904, các chuyến tàu trên tuyến này sẽ khởi hành từ nhà ga tạm thời mới, trong khi các chuyến tàu Sài Gòn-Mỹ Tho tiếp tục sử dụng nhà ga cũ ở ven sông.
Thập niên 1910, nhân dịp khởi công Chợ Bến Thành (Halles Centrales) mới, chính quyền thuộc địa đã khắc phục tình trạng này bằng cách định tuyến lại cả hai tuyến đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho và Sài Gòn-Nha Trang về một nhà ga duy nhất ở phía tây nam chợ.
Ga Sài Gòn thứ hai được tiến hành xây dựng vào năm 1911 và khánh thành vào tháng 9/1915. Đường ray Sài Gòn-Mỹ Tho phải được điều chỉnh để khớp với hướng tây nam của nhà ga — vị trí nay là Công viên 23/9 trên đường Phạm Ngũ Lão, phố “Tây ba lô” thành phố. Tuyến Sài Gòn-Nha Trang cũng phải được thiết kế lại hoàn toàn về phía nam từ Hòa Hưng dọc theo đường Nguyễn Thượng Hiền ngày nay.
Ga Sài Gòn thứ hai (góc trái) năm 1916
Bên cạnh đó, kho xưởng (dépôt-atelier) cũ bị phá dỡ hoàn toàn, tạo điều kiện mở rộng đại lộ Krantz-Duperré về hướng tây tới quảng trường Eugène Cuniac (nay là Công trường Quách Thị Trang). Đối diện lối ra vào nhà ga là nơi đặt trụ sở Công ty Hỏa xa Đông Dương mạng phía Nam (CFI).
Tuyến đường xe lửa một ray còn lại dọc Đại lộ Krantz-Duperré giúp duy trì việc vận chuyển hàng hóa tới cảng Sài Gòn. Tuyến đường này được nối với nhà ga mới bằng một đường sắt xuyên qua quảng trường Cuniac.
Tiếc thay, trong những năm tiếp theo, chính quyền thuộc địa nhận ra rằng nhà ga mới đã chặn một số mạch giao thông chính. Tới giữa thập niên 1920, vị trí của nhà ga bị dư luận gán là “nguyên nhân gây hỗn loạn và tắc nghẽn” ở trung tâm thành phố.
Góc nhìn từ sảnh chờ của Ga Sài Gòn thứ hai.
Cùng thời điểm này, trong quá trình hoàn thiện đường sắt xuyên Đông Dương từ Sài Gòn tới Hà Nội, nhà ga này được nhận định sẽ không đủ khả năng để tiếp nhận lưu lượng hành khách và hàng hóa sắp gia tăng. Do đó, chính quyền tiếp tục lên kế hoạch di dời nhà ga một lần nữa, ra khỏi trung tâm thành phố tới Hòa Hưng.
Ở phía bắc Hòa Hưng, tuyến Sài Gòn-Nha Trang ban đầu đi dọc theo Rue capitaine Faucon (nay là đường Trần Quang Diệu và đường Trần Huy Liệu). Tuy nhiên, năm 1931, nhà đầu tư của dự án đường sắt đáng giá 3,6 triệu piastre (đơn vị tiền Đông Dương) lại đề nghị chuyển tuyến này về phía Tây để xây dựng trạm cuối tại Hòa Hưng. Loạt cơ sở vật chất mới đi kèm với nhà ga bao gồm một nhà xưởng bảo dưỡng đầu máy và một nhà kho lưu trữ hàng hóa. Đoạn cuối cùng của tuyến Sài Gòn-Mỹ Tho cũng được chuyển hướng từ Phú Lâm về phía bắc để tiếp cận nhà ga mới. Thực tế, dự án gặp nhiều khó khăn và chỉ có một phần kế hoạch được hiện thực hóa.
Đến năm 1938, tuyến Sài Gòn-Nha Trang phía bắc Hòa Hưng đã được đổi tuyến theo đường như hiện tại, các kho hàng hóa, đầu máy mới được xây dựng song song với tuyến đường mới này. Tuy nhiên, trong thời gian này, Ga Sài Gòn vẫn còn được giữ nguyên ở vị trí cũ.
Sau khi tuyến Sài Gòn-Mỹ Tho chính thức dừng hoạt động vào năm 1958, tổ chức tiếp quản CFI là Sở Hỏa xa Việt Nam (HXVN) đã vạch ra phương án đóng cửa nhà ga ở trung tâm thành phố và chuyển về Hòa Hưng. Tuy nhiên, vì không thể đảm bảo được nguồn vốn cần thiết nên việc di dời nhà ga không được thực hiện cho đến sau khi đất nước thống nhất.
Ga Sài Gòn, 1964-1965. Ảnh: Fred Mucciardi.
Từ năm 1967, Lực lượng Giải Phóng miền Nam và Quân đội Bắc Việt bắt đầu tập trung đột kích mạng lưới đường sắt ở phía Nam. Sau một đợt tổng tấn công vào Tết Mậu Thân năm 1968, HXVN nhận thấy việc duy trì dịch vụ tàu ngày càng bất khả thi. Đến năm 1971, các dịch vụ đường sắt nội thành và ngoại thành Sài Gòn đều bị chấm dứt.
Sau năm 1975, việc khôi phục toàn bộ tuyến đường sắt Bắc Nam trở thành ưu tiên của chính phủ. Tháng 12/1976, tuyến đường sắt xuyên suốt đầu tiên kể từ năm 1945 chính thức khởi hành từ Hà Nội và cập bến tại Sài Gòn.
Nhà ga hiện nay — Ga Sài Gòn thứ ba — được khởi công vào năm 1978 trên khu vực các tàu sân bay cũ của Pháp. Ga được hoàn thành vào tháng 11/1983. Sau khi khánh thành, tuyến đường sắt cũ đi vào trung tâm thành phố đã bị dỡ bỏ. Địa điểm của nhà ga trung tâm thành phố cũ trở thành Công viên 23/9, được đặt tên để tưởng nhớ những liệt sĩ thiệt mạng trong cuộc khởi nghĩa chống lại lực lượng Anh-Ấn giúp Pháp tái chiếm Sài Gòn ngày 23/9/1945.